Trang nhất
  • Tin hoạt động
    • Hoạt động MTTQ huyện,...
    • Bầu cử HĐND, ĐBQH khóa...
    • Công tác tuyên giáo
    • Công tác tổ chức cán bộ
    • Công tác phòng trào
    • Công tác dân tộc và tôn...
    • Thi đua - khen thưởng
    • Các chương trình phối hợp
  • Công tác tuyên giáo
  • Hệ thống tổ chức
    • Giới thiệu chung
    • Tổ chức bộ máy
  • Văn bản MTTQ
    • Báo cáo
    • Quyết định
    • Kế hoạch - Hướng dẫn
    • Văn bản khác
  • Xây dựng Đảng,CQ
  • Thông tin Mặt trận
    • Đại hội Mặt trận...
19:10 +07 Chủ nhật, 02/04/2023

Trang nhất » Tin Tức » Giám sát - Phản biện xã hội

PHẢN BIỆN XÃ HỘI - CẦU NỐI CHO SỰ ĐỒNG THUẬN VÀ THÀNH CÔNG

Thứ tư - 04/04/2018 14:44
  •   
Xã hội càng phát triển, xu thế dân chủ trong xã hội càng được phát huy và khẳng định. Một trong những đặc trưng của nền dân chủ xã hội đó chính là hoạt động phản biện và phản biện xã hội (PBXH). Một xã hội không có phản biện, bên cạnh đó mọi hành động được xem như là “đương nhiên” thì đó là một trong những biểu hiện rõ nhất của một xã hội phi dân chủ. Phản biện và PBXH là hoạt động tự nhiên của xã hội, nó thể hiện quyền tự nhiên của con người trong xã hội. Phản biện và PBXH đã có từ rất lâu trong quá trình phát triển của thế giới chúng ta, nó đã trở thành công cụ hữu hiệu góp phần tạo ra nền dân chủ xã hội thúc đẩy nhiều quốc gia và xã hội loài người phát triển.
           Ở Việt Nam, khái niệm PBXH được chính thức đưa vào Nghị quyết trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (năm 2006): “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”. Có thể nói, đây là một chuyển biến mạnh mẽ có tính đột phá trong sự phát triển tư duy dân chủ của Đảng ta. Tiếp theo, tại Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”.
            Thực tế hoạt động phản biện và PBXH đã diễn ra trong đời sống xã hội Việt Nam trước khi Đảng ta đưa khái niệm PBXH vào Nghị quyết của Đảng. Quan sát mọi lĩnh vực của cuộc sống chúng ta dễ dàng nhận thấy những biểu hiện của hoạt động phản biện và PBXH. Vì hiểu một cách đơn giản nhất, phản biện chính là việc dùng lý lẽ, chứng cứ, lập luận để đặt lại vấn đề trước một vấn đề nào đó giúp cho vấn đề được phản biện đầy đủ hơn, chính xác hơn. Phản biện không chỉ một chiều là phản bác, bác bỏ, phủ định mà phản biện còn bao gồm bổ sung, khẳng định, làm rõ thêm. Như vậy, phản biện là một nhu cầu của cuộc sống, nhờ có nó con người có thể loại bỏ nhận thức, hiểu biết sai hoặc chưa đầy đủ để vươn tới sự hợp lý, đầy đủ, đúng đắn trong nhận thức, trong các quyết định, các hành vi của mình. Phản biện và PBXH là một đòi hỏi khách quan của cuộc sống xã hội. Phản biện không chỉ hướng tới một cá nhân, một tổ chức, mà rộng hơn hướng tới cả cộng đồng xã hội. Phản biện không chỉ có trong phạm vi nghiên cứu khoa học mà nó tồn tại trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Phương tiện (cách thức) cơ bản nhất để thể hiện phản biện có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản viết.
            Từ cách hiểu phản biện như trên ta có thể hiểu PBXH là phản biện của cộng đồng, của xã hội, của nhân dân (hay là sự phản biện mang tính cộng đồng, mang tính xã hội, mang tính nhân dân), tức là sự thẩm định, đánh giá của các lực lượng xã hội đối với những chủ trương, chính sách, đề án, dự án, mô hình xã hội… liên quan đến quyền lợi và đời sống của số đông thành viên trong xã hội. Mục đích của PBXH hướng tới đóng góp, bổ sung, điều chỉnh cho những chủ trương, chính sách, đề án, dự án, mô hình đó đúng hơn, phù hợp hơn với thực tiễn, chân lý cuộc sống (thậm chí phủ định những chính sách, mô hình, đề án… xa rời thực tế, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Người lãnh đạo, không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình”. Chính hoạt động PBXH góp phần hoàn thiện người lãnh đạo, người chỉ huy, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các khuynh hướng chính trị - xã hội, kinh tế, văn hóa, làm cho các khuynh hướng đó trở nên khoa học hơn, phù hợp hơn, đúng đắn hơn, gần với thực tiễn đời sống con người hơn.
           PBXH không đồng nhất với dư luận xã hội, với trưng cầu dân ý. Trưng cầu dân ý là hỏi dân; còn dư luận xã hội không đòi hỏi lý lẽ, lập luận, chứng cứ cụ thể. Với PBXH đây là một hoạt động khoa học đòi hỏi phải có chứng cứ, lập luận, lý lẽ chặt chẽ. PBXH không phải là có hay không, gật hay lắc, mà bằng những lập luận, chứng cứ khoa học của các lực lượng xã hội, các tầng lớp nhân dân hướng tới làm sáng tỏ đúng – sai những chủ trương, chính sách liên quan đến lợi ích của các tầng lớp dân cư, của số đông người dân. Từ đó giúp chủ thể (Nhà nước, các cơ quan chức năng…) đưa ra chủ trương, chính sách thực hiện việc điều chỉnh, sửa đổi, thậm chí hủy bỏ để có được những chủ trương, chính sách phù hợp, đúng đắn sát với thực tiễn, vì lợi ích của quần chúng nhân dân và sự ổn định phát triển của cộng đồng xã hội, của đất nước.
            PBXH vừa là một hoạt động khoa học (đòi hỏi có căn cứ, lý lẽ, lập luận mang tính lôgic, khách quan, khoa học), vừa là một hoạt động mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc (xét đến cùng đây là sự phản biện của nhân dân, phản ánh mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân), đồng thời PBXH bao hàm “sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập” (không đưa tới phủ định sự phát triển mà hướng tới sự đồng thuận, phát triển có chất lượng cao hơn). Phản biện và PBXH là một quyền tự do được xây dựng trên cơ sở quyền tự do ngôn luận (nhấn mạnh phản biện có tính khoa học, có tính văn hóa), chủ thể tham gia phản biện và PBXH không phải là khả năng riêng của các nhà trí thức, các nhà khoa học, các bậc hiền tài mà của mọi người (tất nhiên người tham gia phản biện phải có trình độ, có hiểu biết, có khả năng). Nếu họat động trưng cầu dân ý đi tìm sự đồng thuận một cách đơn giản, thì hoạt động PBXH hướng tới sự đồng thuận có chất lượng khoa học đem tới sự hài hòa lợi ích của các chủ thể của cộng đồng, xã hội. Để có được sự đúng đắn, hiệu quả nhất trong lãnh đạo, quản lý thì mọi chủ trương, chính sách, quyết sách của chủ thể lãnh đạo, quản lý đưa ra phải có sự đồng thuận của tập thể, của xã hội thông qua PBXH của các lực lượng xã hội, của quần chúng nhân dân. Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Đem các ý kiến khác nhau để so sánh kỹ, phân tích kỹ các nội dung của các tầng lớp xã hội có các ý kiến đó. Tìm ra mối mâu thuẫn trong những ý kiến khác nhau. Xem rõ cái nào đúng, cái nào sai. Chọn lấy ý kiến đúng, đưa ra cho dân chúng bàn bạc, lựa chọn lại, để nâng cao dần dần sự giác ngộ của dân chúng” và “So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học. Mỗi công việc, chúng ta đều phải làm như thế. Làm như thế mới tránh khỏi cái độc đoán, mới tránh khỏi sai lầm”. Một khi có trao đổi thấu tình đạt lý để đạt tới sự đồng thuận trong xã hội, đồng thuận giữa Nhà nước với nhân dân thì mọi chủ trương, chính sách, mọi đề án, dự án… mới thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống thành công.
            Trong những năm gần đây, hoạt động PBXH ở Việt Nam diễn ra khá mạnh mẽ, nhất là từ khi thuật ngữ này được chính thức được đề cập trong Nghị quyết của Đảng. Hoạt động PBXH không chỉ diễn ra trong các kỳ họp Quốc Hội (tranh luận, chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc Hội với các thành viên của Chính phủ; các tham luận, các ý kiến trao đổi nhằm xây dựng đi tới ban hành các Nghị quyết, Nghị định, các Bộ luật, đề án…). Ở đây, đại biểu Quốc Hội là đại diện cho cử tri quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, còn là các bản kiến nghị, các đóng góp ý kiến, các kế sách v.v… bằng văn bản của các tổ chức, tập thể, cá nhân trong xã hội gửi đến các cơ quan chức năng đề cập tới một chính sách, một đề án, dự án nào đó do Chính phủ, Bộ, ngành xây dựng. Đặc biệt, những PBXH thông qua các bài viết, các phóng sự, các cuộc trao đổi bàn tròn (được thể hiện trên báo viết, truyền hình, trên các mạng điện tử ) v.v… đóng góp, ủng hộ hoặc phản bác trước một số chính sách, đề án, dự án của Chính phủ, Bộ, ngành đưa ra. Thực tế đã có không ít chính sách, đề án, dự án, trước sự phản biện khoa học của các lực lượng xã hội đã được chủ thể đưa ra đề án, dự án xem xét, điều chỉnh thậm chí cho “khai tử”.
           Có thể thấy rằng, khi dân chủ ở nước ta ngày càng phát triển rõ nét, thực chất, đây là điều kiện thuận lợi cho các ý kiến phản biện và PBXH được trình bày qua nhiều hình thức, nhiều kênh khác nhau, từ đó tạo nên những hiệu ứng xã hội mạnh mẽ mà mục tiêu đạt được là tìm tới sự đồng thuận giữa Đảng, Chính phủ với quần chúng nhân dân, giữa chủ trương, chính sách với lợi ích của quảng đại quần chúng lao động. Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, của mọi tổ chức chính trị - xã hội, của các cơ quan ban ngành, địa phương, của các trường, viện… vào dự thảo sửa đổi bản Hiến pháp năm 1992 (trong đó có việc kéo dài thêm thời gian lấy ý kiến đóng góp); đặc biệt với việc chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp thứ năm Quốc Hội khóa XIII đã cho thấy Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng các ý kiến đóng góp (các phản biện) của mọi chủ thể trong xã hội. Một khi chưa đi tới sự đồng thuận, chưa thực sự vì lợi ích của quốc gia, của quần chúng nhân dân thì chưa thông qua, chưa ban hành. Đây là việc làm, là hành động phản ánh tư duy dân chủ của Đảng, Nhà nước ta có sự chuyển biến mạnh mẽ, quyền dân chủ của nhân dân được phát huy, khẳng định. Điều này đúng với mục tiêu chúng ta đã, đang hướng tới xây dựng một nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
            Song, khách quan công bằng mà nói, bên cạnh quyền dân chủ thông qua các hoạt động PBXH đã được cải thiện có chất lượng (đóng góp được nhiều cho sự bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi, thay thế nhiều chủ trương, chính sách của các cơ quan chức năng trong hệ thống Đảng, Nhà nước), thì chúng ta vẫn chưa thực sự thấy được hoạt động PBXH diễn ra rộng khắp ở mọi khu vực, tại mọi địa phương, đơn vị. Ở không ít nơi, không ít hoạt động PBXH mang tính dân chủ hình thức, phổ biến mang tính đại diện nên hiệu quả của PBXH không cao. Ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương hiện nay, bầu không khí phản biện và PBXH khá trầm lắng. Tình trạng trong nhiều Hội nghị, diễn đàn, cuộc họp, ngoài ý kiến của thủ trưởng thì không có ý kiến nào khác, hoặc ý kiến theo chiều bổ sung, làm rõ thêm ý kiến của thủ trưởng đang xuất hiện có xu hướng ngày một nhiều. Bên cạnh đó, còn có tình trạng nhiều ý kiến, bài tham luận (phản biện) mang tính cực đoan, chủ quan, quá khích, nhận thức vấn đề theo kiểu “nhìn cây mà chẳng thấy rừng”, không có cơ sở khoa học, thiếu tính xây dựng v.v…
             Thời gian qua, ghi nhận rõ nét nhất là hoạt động PBXH ở Việt Nam thông qua kênh báo chí, truyền hình với nhiều hình thức khác nhau (bài viết, phóng sự, phỏng vấn, tọa đàm, chất vấn…) đang đạt được nhiều kết quả tích cực. Lực lượng tham gia phản biện là các nhà báo, nhà khoa học, giới trí thức, các nhà quản lý, các chuyên gia trong từng lĩnh vực… có kiến thức hiểu biết chuyên sâu, lập luận chặt chẽ nên ý kiến phản biện đi sát vấn đề, mang tính thuyết phục cao. Những ý kiến phản biện như thế đã góp phần quan trọng vào việc hoàn chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách, xây dựng nhiều mô hình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam gắn với thực tiễn và đảm bảo lợi ích của đông đảo người dân. Tuy nhiên, không phải mọi ý kiến phản biện trên báo chí, truyền hình  đều đúng, trúng, thuyết phục (đó là chưa kể những ý kiến, bài viết mang tính tiêu cực làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của đất nước), hoặc có ý kiến phản biện có tính trái chiều chỉ nhằm tới những vấn đề không phải của ngành mình, địa phương mình… Rồi không ít ý kiến, bài viết “phản biện” theo hướng tung hô một chiều (ca ngợi) với những lập luận xáo rỗng, nịnh nọt. Những “phản biện” như vậy không chỉ mang tính hình thức, thậm chí còn rất nguy hại v.v…
            Nói tóm lại, hoạt động phản biện và PBXH là một trong những biểu hiện đặc trưng chuyên nghiệp trong một xã hội dân chủ. Trong khoa học, hoạt động phản biện là một trong những cách thức chủ yếu để các nhà khoa học đi tới sự đồng thuận trong tiếp cận chính xác, đầy đủ chân lý khoa học. Còn trong đời sống xã hội, phản biện và PBXH (có thể diễn ra trong phạm vi một cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương hoặc trong phạm vi cả nước), là một công cụ hữu hiệu tạo ra nền dân chủ, huy động trí tuệ tập thể hướng tới sự đồng thuận để điều chỉnh, xây dựng mọi chủ trương, chính sách được phù hợp với quy luật khách quan trên cơ sở đảm bảo lợi ích của quần chúng nhân dân. Để hoạt động phản biện và PBXH thực sự có hiệu quả cần phải tính tới rất nhiều giải pháp, như : 
         1. Phải xây dựng được các thiết chế phản biện (chủ thể đại diện phản biện; cơ chế chính sách phản biện; phương tiện truyền đạt các ý kiến phản biện: báo chí, truyền hình, hội thảo v.v…); 
         2. Người lãnh đạo, quản lý phải biết lắng nghe, phải biết tôn trọng các ý kiến đối lập, phải biết điều chỉnh trước những phản biện có tính thuyết phục (một trong những đặc trưng văn hóa của người lãnh đạo, quản lý là tôn trọng ý kiến đối lập của người khác, đặc biệt là người dưới quyền). Như Bác Hồ đã chỉ rõ: “Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói. Do ý kiến và đề nghị lẻ tẻ của dân chúng, ta phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành ; 
         3. Chủ thể tham gia phản biện phải có tâm, có tầm, có văn hóa, vì cộng đồng để ý kiến phản biện hướng tới sự đồng thuận, có tính xây dựng, thúc đẩy sự phát triển v.v.. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phản đối lợi dụng hoạt động phản biện và PBXH đưa ra những ý kiến cực đoan, chủ quan, thiếu cơ sở khoa học để bao biện cho lợi ích cá nhân, thiếu tính xây dựng, gây rối xã hội; đồng thời cũng phê phán những “phản biện” mang tính a dua, vụ lợi, “gió chiều nào xoay chiều đó”  v.v… Một xã hội càng phát triển, dân trí càng được nâng cao, dân chủ càng được mở rộng, thì hoạt động phản biện và PBXH càng diễn ra sôi động và có chất lượng. PBXH càng có chất lượng (tính khoa học cao, tính phù hợp nhiều, tính xây dựng lớn, tính cộng đồng phổ biến), thì các chủ trương, chính sách của Nhà nước khi đi vào thực thi càng đúng, càng hiệu quả. Điều này cũng rất đúng với một kết luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về các nguyên tắc loại bỏ lề lối quan liêu, chật hẹp, mệnh lệnh trong công việc, đó là: “Làm như thế, chính sách, cán bộ và nhân dân sẽ nhất trí, mà Đảng ta sẽ phát triển rất mau chóng và vững vàng”[7]. Sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội (nhân dân) càng cao, mọi chủ trương, chính sách đưa ra sẽ thành công và tất yếu một xã hội dân chủ, tiến bộ sẽ ngày càng phát triển./.


Tác giả bài viết: TS. Phạm Thanh Hà



______________________________________________________________________________________________________

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Từ khóa: xã hội, phát triển, xu thế, dân chủ, phát huy, khẳng định, hoạt động, hành động, đương nhiên, biểu hiện, tự nhiên, thể hiện, quá trình, thế giới, trở thành, góp phần, thúc đẩy, quốc gia

Những tin mới hơn

  • Uỷ ban MTTQ xã Bắc Lý tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (15/11/2022)
  • Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai kết luận thanh tra tại UBND huyện Lý Nhân (07/10/2022)
  • Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) (15/09/2022)
  • Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nguyễn Úy tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (14/09/2022)
  • NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC GIÁM SÁT VÀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA MTTQ VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TỈNH (07/07/2022)

Những tin cũ hơn

  • PHÁT HUY VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN, BAN GIÁM SÁT ĐẦU TƯ CỦA CỘNG ĐỒNG Ở CƠ SỞ (22/01/2018)
 







Đang truy cậpĐang truy cập : 45

•Máy chủ tìm kiếm : 3

•Khách viếng thăm : 42


Hôm nayHôm nay : 8367

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 21323

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 1491899

PHỦ LÝ THỜI TIẾT

Dịch tự động

  • Tên hình ảnh 5
  • Tên hình ảnh 4
  • Tên hình ảnh 3
  • Tên hình ảnh 2
  • Tên hình ảnh 1
   ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH HÀ NAM
   Địa chỉ: Đường Lý Thái Tổ, P. Lê Hồng Phong, Thành phố Phủ Lý, T. Hà Nam
   Tel: (84-0226) 3 852 801 | Fax: (0226) 3 852 801
   Email: mttq@hanam.gov.vn
   Chịu trách nhiệm chính: Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Nam
   

   Đăng nhập
   

  • Xem bản: Desktop | Mobile